Saturday 12 March 2016

Nhà cổ 87 Mã Mây, Hà Nội

( Nguồn sưu tầm tại: Hanoimoi.com )
(HNMO) - Nhà cổ 87 Mã Mây là một trong số ít những ngôi nhà được Thành phố Hà Nội bảo tồn và gìn giữ làm điểm tham quan, triển lãm, cung cấp thông tin về lịch sử Hà Nội. Đây là một trong những địa chỉ văn hóa mà du khách khó bỏ qua khi đến phố cổ Hà Nội.



Mặt tiền của nhà 87 Mã Mây

Ngôi nhà 87 Mã Mây là một trong 14 ngôi nhà cổ ở Hà Nội được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX. Tổng diện tích của ngôi nhà là 157,6m2, được xây dựng vuông góc với đường phố, chiều dài đất là 28m, chiều rộng mặt tiền 5m và chiều rộng của mặt hậu là 6m. 

Ngôi nhà đã thay đổi chủ nhiều lần. Năm 1945, một thương gia bán thuốc bắc mua lại ngôi nhà. Từ năm 1954 đến năm 1999, có 5 gia đình sinh sống tại đây.

Ngôi nhà đặc trưng cho kiến trúc, nếp sinh hoạt của người Hà Nội xưa (Ảnh: BQL Phố cổ từng phục dựng lại cảnh sinh hoạt một gia đình phố cổ tại ngôi nhà 87 Mã Mây)

Ngôi nhà bắt đầu được trùng tu từ cuối năm 1998, hoàn thành vào ngày 27-10-1999 trong khuôn khổ hợp tác giữa Thành phố Hà Nội và Thành phố Toulouse (Pháp). Mọi kết cấu về kiến trúc, vật liệu xây dựng (bằng gỗ) cho đến những đồ vật sinh hoạt đều được giữ nguyên trạng. Ngày 16-2-2004, Bộ Văn hóa Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) ký quyết định công nhận nhà 87 Mã Mây là Di sản cấp Quốc gia.

Hiện nay, ngôi nhà trở thành điểm thông tin, tuyên truyền giới thiệu đến người dân và du khách về ngôi nhà phố của người Việt trong khu phố cổ Hà Nội. Du khách đến tham quan ngôi nhà, sẽ được hiểu hơn về nếp sống, sinh hoạt của người Hà Nội xưa. Đây cũng là nơi giới thiệu kiến trúc cổ Hà Nội và gợi ý nhân dân phố cổ cách bảo tồn, tôn tạo nhà cổ.

Cảnh sinh hoạt (được dàn dựng lại) của người Hà Nội xưa trong không gian nhà 87 Mã Mây

Ngôi nhà mang đặc trưng của nhà cổ xưa Hà Nội, tức là theo dạng hình ống, đa năng sử dụng. Nhà hẹp về chiều ngang nhưng rất sâu, các lớp nhà được ngăn cách bởi các lớp sân trong. Lớp ngoài là cửa hàng, không làm tường vách mà mở thông ra phố để bày hàng. Phía trong có sân rời. Tiếp đến là gian nhà hậu, kho hàng và nhà bếp.

Tầng 2 là không gian thờ và phòng ngủ. Giữa các lớp nhà có sân bày chậu cảnh cảnh tạo cảnh quan môi trường, có cảm giác gần gũi thiên nhiên.

Điều khiến cho du khách khi đến phố cổ Hà Nội khó có thể bỏ qua việc tham quan ngôi nhà 87 Mã Mây, là ngoài việc được tìm hiểu không gian sinh hoạt và kiến trúc đặc trưng của một ngôi nhà phố của Hà Nội xưa, thì ngôi nhà 87 Mã Mây cũng là một trong những địa chỉ thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa.

Ngôi nhà 87 Mã Mây từng là địa chỉ biểu diễn Ca trù

Ban ngày, nhà cổ 87 Mã Mây mở cửa hàng ngày để tiếp khách du lịch và có thể giải đáp những thắc mắc của du khách. Buổi tối, nơi đây thường xuyên tổ chức những buổi hát ca trù do giáo phường Thăng Long biểu diễn.

Ban quản lý phố cổ cho biết, chuẩn bị cho mùa Trung thu tới, phố cổ Hà Nội sẽ tổ chức nhiều chương trình trung thu hấp dẫn, trong đó, ngôi nhà 87 Mã Mây sẽ là một trong những địa điểm tổ chức các loại hình văn hóa dân gian đặc trưng của người Hà Nội xưa.

* Một số hình ảnh của ngôi nhà 87 Mã Mây:


Tầng 1 của ngôi nhà (gian ngoài) là nơi tiếp nhận thông tin cho du khách. 


Khu gian trong của ngôi nhà. Mỗi gian nhà cách nhau một khoảng sân rộng


Buồng ngủ ở tầng 1


Nơi đây có kê một số vật dụng mà gia chủ của ngôi nhà thường dùng


Nhà bếp của ngôi nhà

Chiếc cối đá cổ được trưng bày trong ngôi nhà


Những chiếc nồi treo ở góc bếp


Tủ chạn bếp để bát đũa


Tầng 2 của ngôi nhà


Gian thờ


Buồng ngủ ở tầng 2

Hoàng Lân
Một số hình ảnh khác của nhà 87 Mã Mây được sưu tầm trên internet

















Sunday 6 March 2016

Nhà gỗ cổ truyền Đồng bằng Bắc Bộ

Nhà gỗ cổ truyền Đồng bằng Bắc Bộ và ông "Lỗ Ban Hải Hậu"  (19/1/2014 )
( Nguồn sưu tầm tại: http://xom4.vn/view/chitiettin.aspx?id=1669&menu=45 )
Người xưa nói, là trai sinh ở trên đời phải làm được 4 việc: làm một ngôi nhà, đẻ một đứa con, trồng một cái cây và viết một cuốn sách.


Ở Bắc Bộ Việt Nam xưa, trong việc làm nhà, làm được một ngôi nhà gỗ Bắc Bộ là cả một sự kỳ công, là cả một cơ nghiệp. Kiến trúc nhà gỗ cổ Bắc Bộ, bao đời, đã là niềm tự hào của người Việt, đã là kiến trúc dân gian - dân sự, lại còn được đẩy cao lên qua kiến trúc cung đình, kiến trúc tôn giáo, đặc biệt là kiến trúc Phật giáo.

Đại thể, nhà gỗ cổ Bắc Bộ chia làm 5 loại cấu trúc, xếp hạng sang - khó, từ trên xuống dưới như sau:

1 - Bò cốn. 2 - Thượng bò hạ kẻ. 3 - Chắp bê. 4 - Kẻ chuyền treo chuông (còn gọi là kẻ chuyền hay kẻ chuyền trơn). 5 - Đá pha (Hạ bò thượng bê hoặc Hạ bê thượng bò).

Đi với các kiểu cấu trúc ấy, là hàng loạt các "cấu kiện" - thành phần khác: cột cái, cột con (cột nách), cột quân, xà lòng (quá giang), xà nách, xà khóa, bờ, trụ, tụ, bảy kẻ, bảy buông, dép, ngưỡng bồ, tảng bồng chạm trổ Lý - Trần - Lê...v.v và v.v...





Nguyễn Vũ Pháp

Riêng mỗi bộ cửa bức bàn (ở từng gian) cũng đã là cả một công trình nghệ thuật. Nó phải đúng là Cửa thùng khung khách. 4 cái cánh của nó phải là các bức chạm nổi hoặc chạm lộng, các "tiểu cảnh" kinh điển: Tùng - Cúc - Trúc - Mai, rồi Nho Sóc, Mai Điểu,...v.v.

Xưa kia, tất cả là làm thủ công. Bây giờ máy cưa, máy xẻ, máy bào, máy khoan hiện đại đã đỡ người nhiều việc nặng, nhưng chạm trổ, trau chuốt nghệ thuật, thì phi bàn tay người thợ - nghệ nhân, không máy móc nào làm được. Tất cả đều bằng lõi lim, không tỳ vết.





Không mấy người, mấy hiệp thợ còn có thể làm từ A tới Z, những ngôi nhà - tác phẩm kiến trúc cổ truyền ấy. Ai làm được, hiệp thợ nào làm được, họ là những nghệ nhân.

Với các nghệ nhân này, toàn bộ "mực thước" của ngôi nhà đều nằm ở cái "Thước Lỗ Ban". Lỗ Ban là ông tổ nghề mộc phương đông, từ cổ đại. Cái thước ấy chứa toàn bộ các tỷ lệ kiến trúc, quan trọng nhất là tỷ lệ chia hoành. Trong đó, tỷ lệ cơ bản là tỷ lệ giữa chiều cao cột quân và chiều cao cột cái - 2/3 - rất giống với "Tỷ lệ vàng" của kiến trúc và hội họa cổ điển phương Tây.



Tôi may mắn được quen và được xem một người, một hiệp thợ như vậy. Đó là Nguyễn Vũ Pháp (còn gọi là Phát) và hiệp thợ của anh, họ đều ở Hải Hậu, Nam Định. Tiền nhân của họ đã từng được mời tham gia làm chùa Cổ Lễ, chùa Tùng Lâm, chùa Dâu, chùa Keo, chùa Bút Tháp,... và bao nhiêu nhà cho quan lại, hào phú, dân thường xưa nay.

Riêng Nguyễn Vũ Pháp và hiệp thợ của mình đã làm và phục chế hàng trăm nhà gỗ Bắc Bộ như vậy, ví dụ như Resort Tản Đà ở Sơn Tây cũ, Resort Đồi Trinh Nữ ở Phổ Yên - Thái Nguyên, từ đường kiêm nơi dưỡng già của một "đại gia" ở Núi Voi, Hải Phòng,... Nguyễn Vũ Pháp cũng đã xuất khẩu nhà gỗ cổ Bắc Bộ sang Thái Lan cho Việt Kiều với rất nhiều thủ tục khắt khe, bảo đảm "vô trùng" khi thông quan.



Nhìn những ngôi nhà gỗ cổ, người ta dỡ bán để xây biệt thự nhiều tầng, được Pháp và những người thợ của anh phục chế, như là thấy hồn vía dân tộc vừa được gọi về. May là cũng còn nhiều người tìm mua lại những ngôi nhà như thế. Bên cạnh xu hướng chạy theo kiến trúc nhà ở hiện đại đương thời, Nguyễn Vũ Pháp vẫn tìm ra khá nhiều người muốn dựng "nhà cổ", có khi phục chế như vừa nói, có khi là được làm mới hoàn toàn.

Đại đức Thích Nguyên Thành, cử nhân Phật học, nhiều năm làm Trưởng ban Trị sự Hội Phật giáo yêu nước Thái Nguyên, Trụ trì chùa Phủ Liễn, đích thân tìm Nguyễn Vũ Pháp để nhờ anh làm ngôi nhà Tổ tại chùa này. Nhà Tổ có 3 tầng, mỗi tầng 400 mét vuông sàn, hai tầng trên, nhà chùa chọn chất liệu gỗ lim, làm đúng kiểu nhà cổ Đồng bằng Bắc Bộ. Đại đức bảo: "Tôi yêu nhà gỗ Đồng bằng Bắc Bộ, vì kiểu nhà này giàu tính dân tộc, là văn minh lúa nước, là vật liệu tự nhiên. Nhà giản dị mà tôn quý, bền vững mà thoáng đãng, đẹp đẽ mà trang nghiêm. Đó là cha, là mẹ, là chị che chở tâm hồn Việt tự bao đời". Đại đức rất tự hào vì ngôi nhà Tổ ấy "xứng tầm" với ngôi chùa của mình.

Tự hào là phải. Chùa Phủ Liễn đã từng nuôi giấu, che chở nghĩa quân sau khởi nghĩa Thái Nguyên thời Pháp thuộc. Bây giờ, cách chùa gần 800 mét, còn có ngôi đền, thờ một yếu nhân của cuộc khởi nghĩa - binh biến ấy, đó là ông Đội Cấn. Năm 1946, tại chùa này, đã đặt một hòm phiếu để bầu cử Quốc Hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của chế độ.





Nhà gỗ cổ thì phải đi đôi với đồ nội thất cổ. Vì thế, Nguyễn Vũ Pháp cũng là chuyên gia về đồ cổ, đồ giả cổ. Anh có thể nói không dừng về sập trắc, sập gụ, tủ chè, ghế đơn, trường kỷ, khảm trai, khảm ốc và đồ gốm - sứ.

- Nếu anh muốn có đồ cổ thì cứ bảo em. Không bao giờ anh phải dùng đồ rởm. - Pháp bảo thế.

Anh cũng vừa nhận được yêu cầu làm 2 ngôi chùa một cột mới, tỷ lệ 2/3, so với chùa Một Cột Hà Nội. Hai ngôi chùa một cột này, sẽ được đặt tại Phật địa Việt ở Nê Pan. Nê Pan là đất Phật. Thế là kiến trúc Phật giáo độc đáo nhất Việt Nam, độc đáo nhất thế giới này, sẽ có mặt tại Tây Trúc, nơi mà bất cứ phật tử nào cũng đều mong đến được.



Biết Nguyễn Vũ Pháp đã lâu, biết việc anh làm, tôi vẫn gọi đùa Pháp là ông "Lỗ Ban Hải Hậu".

Nếu giời cho có của, một lúc nào đó tôi sẽ về xóm 4, xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định để tìm Pháp. Tôi sẽ nhờ anh làm cho một nhà gỗ cổ Đồng bằng Bắc Bộ trên đất nhà, kê một sập, để ngày ngày ngồi thiền cho khỏe tâm, khỏe sức, chả ở phố nữa. Trước khi khởi hành tôi sẽ gọi cho anh Pháp và vợ anh, cô Tám, theo số máy 0913048832.

Bài: Đỗ Trung Lai
Ảnh: Đỗ Ngọc Nam   


Một số hình ảnh sưu tầm nhà gỗ băc bộ khác trên internet