Friday 12 October 2012

NHÀ MÁI NGÓI CHIA GIAN

Một bước tiến lớn trong kiến thiết ngôi nhà ở cho những người dân Việt là đã hình thành những kiểu nhà mái ngói, chia gian, ví dụ như hai gian, ba gian, ba gian hai chái, hai thụt một hò, ba thụt hai thò ....



Lúc này cách thức xây dựng  và vật liệu xây dựng cũng đã thay đổi, nên ngôi nhà cũng được chế tạo sao cho bền vững hơn. Họ đã bắt đầu sử dụng than đá hoặc củi để nung đất thành gạch nung, rồi dùng loại vữa chắc hơn như mật trộn cát hoặc khi nung đá vôi thì họ có vôi để trộn với cát sau này.
Cùng do dùng lửa để nung đất thành loại vật liệu đất nung, họ đã chế tạo ra ngói được nung từ đất dùng để lợp mái thay cho lợp bằng cây lá như xưa.











 Có sự kết hợp giữa gỗ và gạch cho cột chịu lực của nhà, và họ cũng đã bắt đầu dùng đá tự nhiên có sơ chế cho việc xây dựng nhà ở như dùng làm chân đệm cột nhà, làm bậc thềm nhà, cột nhà ...
 Và việc sử dụng các loại vật liệu truyền thống này được phổ cập rộng rãi. Ở các làng nghề làm ăn phát triển, người ta xây ngăn các thửa đất, xây tường bao quanh nhà, lát nền đường bằng gạch nung, đá tấm ....
Những quần thể làng cổ người Việt còn lại cho đến bây giờ mang đậm dấu ấn của sự thay đổi về vật liệu xây dựng và cách thức xây dựng khi họ biết cách dùng lửa cho công nghệ xây dựng của mình.
Cũng không biết tự bao giờ mà người dân Việt biết nung vôi, nung gạch ngói, ai bày cho họ cách làm này ... chưa có một tài liệu lịch sử nào nhắc đến...


Người Việt cũng bắt đầu kỳ công hơn trong việc chọn loại vật liệu làm nhà, họ cũng đã lần tìm những loại vật liệu tốt hơn, bền hơn và đẹp hơn cho từng chi tiết cho đến tổng thể ngôi nhà, khuôn viên nơi họ sống.
























NHÀ TRANH VÁCH ĐẤT


 Những ngôi nhà tranh vách đất đơn sơ với mảnh vườn chuối phía sau, cau phía trước ... nơi thôn dã thủa ấu thơ hằn in trong ký ức bao người... Giờ đây nhớ tới nó chỉ là những hình ảnh trong trí óc và góp nhặt được một vài góc ảnh trên mạng, hoặc gặp lại hình ảnh này ở các khu nghỉ dưỡng, văn hóa bảo tồn ...

 Cái thủa xa xưa của người dân đất Việt là thế đó, từ ăn hang ở lỗ như bao giống người khác trên thế giới, họ đã bắt đầu sống qui tụ lại và dựng lên những chòm xóm bằng những ngôi nhà lá đơn sơ rồi dần đến những ngôi nhà tranh vách đất. Bằng những nguyên liệu tự nhiên nơi họ sống như tranh, tre, nứa, lá, bùn đất.... họ đã dựng lên mái ấm gia đình tồn tại cùng thời gian ...



 Nhớ ngày nhỏ, khi gia đình tôi làm ngôi nhà tranh vách đất ba gian. Trước đó một thời gian khoảng mấy tháng, bố tôi và những người đàn ông trong làng xóm họ hàng đã cùng chặt tre, chặt các cây xoan to để ngâm dưới bùn ao.Các cây tre và cây gỗ xoan này được vớt lên rồi chia, đánh dấu, cưa cắt, đục đẽo  để làm bộ khung cột và kèo nhà, tiếp đó chẻ tre thành nan để đan các bức vách và néo buộc chặt vào hệ khung nhà .

 . Sau đó là trộn bùn với rơm khô, mọi người đánh một mẻ thật to ở giữa sân gọi là vữa trát, rồi cho vào xô, chậu bê đến các vị trí vách và bắt đầu dùng tay bốc và nhét vào các lỗ theo mắt đan trên vách nan tre ( có nhà dùng nứa ). Ngay sau đó khi bùn vữa vẫn ướt thì dùng tay xoa cho mịn và phẳng mặt tường. Vậy là cứ thế mọi người hì hục làm trong khoảng 2 ngày là các bức tường gần như đã xong. Trên các bức tường cũng tạo các cửa sổ, cửa thoáng giáp mái bằng các song tre hoặc nứa. Tiếp đó là công đoạn lợp mái, ở quê tôi thì  lợp mái bằng rạ lúa. Rạ lúa được chọn ở ruộng lúa cây dài và tốt, sau khi tuốt, đập hết thóc thì phơi khô theo nếp đều đặn chứ không rũ rối. Khi rạ đã phơi khô sẽ được cất cẩn thận để dùng cho lợp mái hoặc đảo mái nhà sau này. Lúc lợp mái, các lớp rạ được rải đều và gối lên nhau dần lên đến đỉnh, neo xuống nan mái bằng lạt tre non hoặc lạt giang.
 Khi đến đỉnh thì cắt mo cau xếp gối để úp nóc, và có hai nẹp tre hai bên neo chặt xuống nan mái. Cuối cùng là cắt bằng phần diềm dưới của mái bằng liềm hoặc kê tấm gỗ ở dưới và dùng dao chặt.
 Công đoạn làm nền nhà cùng toàn sử dụng thủ công và vật liệu tự nhiên, nền được tôn bằng đất sét đầm nện rất chặt, được cán phẳng và dùng chai thủy tinh lăn qua lăn lại cho bề mặt mịn, rắn chắc.


 Hồi nhở ở quê tôi có nhiều ngôi nhà tranh vách đất tồn tại rất lâu, tôi vẫn còn nhớ hình ảnh những bậu nền nhà trước cửa mòn vẹt vì vết chân người đi lại. Mấy anh em và tụi bạn tôi còn chơi nhiều trò trên nền nhà như đóng vỏ quả trám thành những hình kỳ quặc, vẽ vòng để phi tiêu, chơi ô ăn quan...





 Dưới đây là ngôi nhà tranh vách đất của cụ thân sinh của bác Hồ.